Thời xa xưa, chồng đi làm vợ dệt vải chính là bức tranh quen thuộc của một gia đình. Tại một số khu vực dệt phải không chỉ là loại vài thường mà là thổ cẩm. Để có những tấm vải thổ cẩm lộng lẫy, trang nhã, những người thợ dệt làm việc không mệt mỏi và kiên trì. Từ công đoạn trồng bông, kéo sợi, nhuộm vải, dệt vải. Làng nghề dệt thổ cẩm tại Ninh Thuận là một trong những nét đẹp về văn hóa, về sự khéo léo. Làng nghề cổ kính với nghề dệt thổ cẩm truyền thống lưu giữ, kế thừa những tinh hoa của dân tộc và văn hóa Việt Nam. Mang đến nhiều điều đặc biệt cho du khách từ khắp mọi nơi.
Mục Lục
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại Ninh Thuận
Ninh Thuận nổi tiếng với 02 làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm. Cùng với làng nghề Gốm Bàu Trúc thì làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là 1 trong 2 làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm vô cùng đặc sắc. Với bản sắc mộc mạc, du khách phương xa không thể bỏ qua khi đến Ninh Thuận.
Theo QL1A theo hướng từ trung tâm Tp. Phan Rang về phía Nam thì làng Dệt Mỹ Nghiệp cách Tp. Phan Rang 12km. Nằm tại địa chỉ: thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận (đối diện bên đường so với làng Gốm Bàu Trúc)
Chiêm ngưỡng cách dệt thổ cẩm thủ công đẹp mắt
Đến nơi đây, du khách sẽ chứng kiến tận mắt cách dệt sản phẩm thổ cẩm hết sức công phu và độc đáo. Đặc biệt, biết được cách phân biệt giữa hàng thổ cẩm dệt thủ công & dệt máy khác nhau như thế nào?
Đây là điều tuyệt vời nhất khi tận mắt được thấy các nghệ nhân dệt trực tiếp những tấm thổ cẩm. Mỗi tấm thổ cẩm đều mang theo hoa văn, màu sắc đậm chất văn hóa Chăm. Và cả hồn của nghệ nhân Chăm gửi gắm trong từng sản phẩm.
Sự khác biệt giữa dệt thổ cẩm xưa và nay
Từ xưa, để làm nên một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh thì khâu nguyên liệu là khâu nghệ nhân phải chuẩn bị vất vả nhất vì hoàn toàn làm bằng thủ công: từ công đoạn trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu. Nhuộm màu là công đoạn khó nhất quyết định sản phẩm có chất lượng theo thời gian hay không? Đây là bí quyết gia truyền riêng của từng gia đình. Hoặc có gia đình nuôi tằm lấy tơ – làm sợi – lên màu… Sau đó, nghệ nhân mới đem sợi hoàn chỉnh để dệt thành phẩm.
Ngày nay, nghệ nhân Chăm đỡ phải vất vả hơn với giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Người Chăm sử dụng chỉ màu có sẵn trên thị trường với ưu điểm giá thành rẻ, màu sắc phong phú, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Họ có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho từng sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng.
Giới thiệu về làng nghề dệt thổ Cẩm Mỹ Nghiệp
Thổ cẩm tại Mỹ Nghiệp đa phần đều được dệt bằng tay
Làng dệt Mỹ Nghiệp vẫn giữ được các nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Cách dệt thổ cẩm ở đây vẫn làm hoàn toàn bằng thủ công, không có dấu hiệu của máy móc. Khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao. Để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa.
Thổ cẩm Mỹ Nghiệp chọn màu đen là màu chủ đạo, màu nền cho tấm vải. Tất cả các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non; màu đỏ từ mủ cây cánh kiến; màu xanh từ lá vỏ cây tràm…
Các loại khung dệt thổ cẩm tại Mỹ Nghiệp
Nghệ nhân sử dụng 2 loại khung dệt gỗ chính:
+ Khung dệt cao – dùng để dệt các khổ vải có đường kính nhỏ. Được dệt chủ yếu làm viền điểm nhấn các sản phẩm lưu niệm: ví, túi xách, viền nón, balo…
+ Khung dệt thấp (ngồi) dùng để dệt các khổ vải thổ cẩm có kích thước lớn. Với khung dệt này đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm để hoàn tất tấm thổ cẩm chỉnh chu cả về mặt hình thức và toát lên được hồn Chăm trong từng sản phẩm.
Đặc biệt, các nghệ nhân lớn tuổi trong làng vẫn lưu giữ được cách dệt các hoa văn cổ truyền thống quý giá: thần voi, thần siva…. Hoa văn này được dùng để dệt cho các vua chúa Champa xưa.
Khi đến đây du khách được xem các nghệ nhân: cần mẫn luồng từng sợi chỉ trên khung dệt, kết hợp với cây dao gỗ ép chặt từng sợi chỉ một cùng với đôi bàn tay chuyển tiếp các hoa văn một cách điêu luyện tạo nên các sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt và công phu.
Những món quà lưu niệm đầy tâm huyết của người dân nơi đây
Ngày nay, đến với Mỹ Nghiệp du khách có thể mua các sản phẩm thổ cẩm lưu niệm tương đối phong phú: nón, áo, ví tiền, khăn choàng, giỏ xách, drap trải bàn…với giá thành rất hợp lý để làm quà lưu niệm.
Mỗi sản phẩm Dệt Mỹ Nghiệp mang cả linh hồn dân tộc Chăm. Là tâm huyết của người nghệ nhân Chăm muốn duy trì và bảo tồn 01 truyền thống văn hóa Chăm lâu đời.
Tất cả thông tin trên đã đủ hấp dẫn bạn ghé làng nghề truyền thống độc đáo này chưa? Hãy cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn bằng comment bên dưới nhé!