Khu vực miền Tây là một trong những khu vực có nhiều anh em đồng bào dân tộc sinh sống. Cũng chính nhờ sự đa dạng về dân tộc này mà văn hóa nơi đây mang những nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Ngoài trang phục, ẩm thực hay lối sống thì một trong những khu vực có nhiều lễ hội nhất phải kể đến chính là Trà Vinh. Là nơi tập trung rất nhiều đồng bào anh em như dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, Khmer. Mỗi lễ hội truyền thống đều được lưu trữ và bảo tồn cho đến hiện nay. Hằng năm sẽ có khá nhiều lễ hội được tổ chức tại vùng đất này. Dưới đây là những lễ hội nổi tiếng được rất nhiều du khách quan tâm, mời bạn cùng theo dõi.
Mục Lục
Những lễ hội bạn nên tham gia khi đến Trà Vinh
Lễ cầu phúc – Nguyên tiêu Thắng Hội
Nguyên tiêu Thắng hội là lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 14-15 tháng 01 âm lịch tại Phước Thắng Cung, ấp Mé Rạch, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Mục đích của lễ hội là cầu an-cầu phúc. Hàng năm lễ hội đã thu hút hàng ngàn người tham dự.
Nghe đờn ca tài tử với Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ
Đây là lễ hội dân gian truyền thống có gần 200 năm nay của cộng đồng cư dân xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ được tổ chức vào ngày 15-16/2 âm lịch (Lễ Hạ điền) và 15-16/10 âm lịch (Lễ Thượng điền). Trước đây thì tổ chức hát bội, hiện nay không còn đoàn hát nên hội đình tổ chức đờn ca tài tử phục vụ dân chúng vui chơi, giải trí.
Lễ năm mới của đồng bào Khmer
Lễ Chôl Chnam Thmây hay còn được gọi là lễ chịu tuổi hay tết. Hằng năm, lễ được tổ chức trong 3 ngày 14-16/4 dương lịch. Năm nào nhuần thì đồng bào Khmer tổ chức trong 4 ngày.
Qua đêm tiễn đưa năm cũ, ngày hôm sau vào lúc 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều. Mọi người mang lễ vật, nhang đèn đến chùa làm lễ rước đại lịch (Mô ha sang Kram). Cũng trong ngày, ở các chùa mọi người cùng nhau tổ chức đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh chính điện.
Mình cũng là một người con của đồng bào dân tộc. Mỗi dịp lễ này, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức đều được nghỉ ăn tết như Tết Ta vậy đó. Khi lễ hội diễn ra, mình thường đi khắp các nhà những người bạn cùng là người dân tộc để ăn mừng. Không khí lễ năm mới này ấm áp vô cùng. Và dĩ nhiên bạn bè của mình cũng đến nhà mình ăn Tết, mẹ mình luôn bảo Tết thì phải mời bạn đến. Hãy một lần đến Trà Vinh vào dịp này sẽ vui lắm đấy.
Lễ nghinh Ông cầu mua may mắn
Lễ hội cúng biển Mỹ Long diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Lễ hội nghinh Ông có gần 100 năm nay, trong những ngày diễn ra lễ hội nhiều nghi thức lễ được tổ chức mục đích là cầu ngư, cầu mùa. Hàng năm vào dịp lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn đồng bào từ khắp nơi về tham dự, vui chơi.
Lễ hội chùa ông Bổn (Vu lan thắng Hội)
Vu lan thắng hội là tên gọi chính thức của ban tổ chức. Còn người dân địa phương gọi là lễ hội chùa ông Bổn. Lễ hội có trên 100 năm nay. Ban đầu là lễ hội của đồng bào Hoa địa phương nhưng dần dần trở thành lễ hội chung của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Là lễ hội chính của Vạn Niên Phong Cung, khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Trong bốn ngày diễn ra lễ hội (từ 25/7 đến 28/7) có nhiều nghi lễ được tổ chức như: thỉnh kinh, thỉnh phật, khai kinh, cầu an đồng bào chí sĩ tử vọng. Qua các tiết mục chương trình hành lễ cũng nhằm cầu cho quốc thái dân an. Mong muốn phong đều vũ thuận và mọi người được ấm no hạnh phúc.
Sống ở Trà Vinh rất lâu, mình dám khẳng định rằng đây là mùa mà bạn nên đến Trà Vinh nhất trong năm. Cuối năm – mùa tưng bừng của lễ hội đồng bào dân tộc và các nghi lễ quan trọng nhất.
Ngày lễ tưởng niệm Bác
Hằng năm, đến ngày 2/9/2014, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh
Với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đây đã trở thành một lễ hội vô cùng quan trọng đời sống văn hóa tinh thần của Trà Vinh. Lễ hội khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ – không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng, của đất nước, mà còn là người cha, người ông kính yêu, thân thiết, gần gũi với mỗi người Việt Nam.
Lễ ba ngày cúng tổ tiên ông bà
Lễ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 29/8 đến 01/9 âm lịch. Nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ họ hàng. Cầu siêu cầu phước cho linh hồn những người quá vãng.
Lễ này là một trong ba lễ có tầm ảnh hưởng nhất của đồng bào dân tộc Khmer. Vào dịp này, đồng bào dân tộc thường làm mâm cơm cúng tổ, mời sư sãi tụng kinh. Các gia đình giàu có tổ chức có phần long trọng và rình rang hơn. Họ mở tiệc với nhiều khách mời, rất náo nhiệt.
Lễ hội cúng trăng
Ok Om Bok hay Lễ Cúng trăng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Khmer. Lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (ngày 15 tháng Ka-Đât theo lịch Khmer). Đây là lễ hội có quy mô tổ chức lớn nhất và được mọi người mong đợi nhất.
Lễ hội này có phần giống với rầm tháng 8 (trung thu) của người Kinh. Vào dịp này, Trà Vinh rực rỡ hẳn ra, cờ lọng khắp nơi, các chùa được trang hoàng lộng lẫy. Người dân tổ chức cúng bái, vào chùa, sư sãi tụng kinh. Phần hội được hàng trăm ngàn người luôn trông chờ: đua ghe ngo truyền thống. Các trò chơi dân gian tổ chức khắp các chùa chiền.
Lễ hội Ok Om Bók (Lễ hội Cúng trăng) là lễ hội dân gian truyền thống. Gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của người Khmer ở Trà Vinh nói riêng, Nam Bộ nói chung.
Vào dịp này, mình luôn cố gắng về nhà cùng mẹ. Đến chùa cầu cho những điều tốt đẹp, thành công trong cuộc sống. Hơn hết, đây cũng là lúc những đứa con xa quê như mình về lại nơi mà cái gọi là bình yên. Tất cả chúng ta, bất kể dân tộc nào, ở nơi đâu cùng nâng ly lên chúc nhau những lời tốt đẹp nhất.
Tổng kết
Nét đẹp văn hóa truyền thống thường được lưu trữ qua trang phục, ẩm thực và cả các lễ hội. Những nét đẹp đó sẽ vẫn được lưu truyền nếu ta biết cách giữ gìn và làm cho chúng hợp thời hơn. Nếu có dịp đến Trà Vinh, hãy nán lại để cùng nhau tham gia các lễ hội này nhé.